- Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh:
Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật xác định phạm vi điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức có sử dụng lao động.
Về phạm vi, luật quy định mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động (Điều 4).
- Về quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở: Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 5).
- Quyền thụ hưởng của công dân: Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng (Điều 7).
- Nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở: Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở; chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 6).
- Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn:
Luật quy định cụ thể nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định tại các điều 15, 17; Nội dung, hình thức để Nhân dân tham gia ý kiến tại Điều 25, 26; Nội dung, hình thức để Nhân dân kiểm tra, giám sát tại Điều 30, 31.
- Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị: gồm 18 điều (từ Điều 46 đến Điều 63) quy định những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị (Điều 46); Hình thức và thời điểm công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị (Điều 47); Trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị (Điều 48); Những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định (Điều 49). Những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến trước khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định (Điều 53); Nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát (Điều 56); Đồng thời Luật cũng quy định Hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; quy định cụ về trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát.
- Về quy định Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng: Luật quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
- Về trách nhiệm tổ chức thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở: Luật quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp; Quốc hội; Hội đồng nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
Truy cập để xem toàn văn Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở:
https://tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn/index.php/attachment/download/?id=759