Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ngành.
Trao đổi và thông tin tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, nhấn mạnh Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị là động lực để thúc đẩy phát triển các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế một cách bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa. Trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cố đô, xây dựng một thành phố Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại.
|
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao đổi tại buổi làm việc |
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã sử dụng, huy động mọi nguồn lực từ phía nhà nước, người dân để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVHVT&PVT. Các nguồn lực đã giúp cho công cuộc bảo tồn DSVHVT thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế dần chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị DSVHVT&PVT đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa tại Cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực miền Trung, Việt Nam, trọng tâm là kinh tế du lịch - dịch vụ. Các loại hình di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cảm ơn và hoan nghênh Đoàn học viên cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chọn Thừa Thiên Huế để nghiên cứu thực tế về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế. Mong muốn đây là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên Huế quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, cũng như các giá trị di sản văn hóa Huế đến với các học viên.
Đại biểu và Học viên tham gia buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Cố đô Huế đã khái quát về tình hình công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế trong thời gian qua. Cố đô Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình, với sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, Do đó trong công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt là vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần.
Theo đó, từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể di tích cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2020). Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào. Đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với sự quan tâm của các ban, bộ, ngành Trung ương trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên Huế phát triển đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện. Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương. Đây cũng là một trong những lĩnh vực hoạt động mà Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
|
|
Đoàn học viên trao tặng 50 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế |
Thay mặt Đoàn nghiên cứu thực tế, TS Trần Quang Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn sự tiếp đón và chuẩn bị nội dung buổi làm việc chu đáo; đồng thời khẳng định các báo cáo, trao đổi tại buổi làm việc là những tư liệu quan trọng, thiết thực, ý nghĩa giúp cán bộ, học viên của Đoàn có thêm tư liệu để hoàn thành nội dung nghiên cứu thực tế tại tỉnh.
Cũng tại buổi làm việc, Lớp cao cấp lý luận chính trị K74 A03 đã trao tặng 50 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.