GS,TS Lê Văn Lợi báo cáo đề dẫn Hội thảo
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban điều hành Đề án dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì có PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Lê Văn Trung, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban điều hành Đề án khẳng định, ba mươi năm trước, khi khái niệm giáo dục quyền con người còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nghiên cứu, giáo dục, đào tạo quyền con người là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp giáo dục quốc dân và là phương tiện thiết yếu để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong Chỉ thị số 12/CT-TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân ta để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nhận rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta nhằm phục vụ con người…”. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” với sự tham gia của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với một số bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh Hội thảo
GS,TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh, Đề án được phê duyệt cũng như hành trình hơn 6 năm thực hiện Đề án đã khẳng định chặng đường nhiều nỗ lực nhằm thực hiện giáo dục, đào tạo quyền con người ở Việt Nam. Vì vậy, Hội thảo “Thành tựu 30 năm nghiên cứu, giáo dục, đào tạo quyền con người ở Việt Nam” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới - ngày đánh dấu sự ra đời của Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người vào năm 1948, là dịp để nhìn lại hành trình 30 năm xây dựng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo quyền con người tại Việt Nam, từ đó khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các giá trị nhân quyền toàn cầu. Đặc biệt, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – cơ quan nghiên cứu, giáo dục và đào tạo quyền con người hàng đầu ở Việt Nam cũng kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển trong dịp này, đánh dấu một chặng đường nỗ lực vì quyền con người ở Việt Nam.
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban điều hành Đề án tin tưởng Hội thảo “Thành tựu 30 năm nghiên cứu, giáo dục, đào tạo quyền con người ở Việt Nam” được tổ chức không chỉ nhằm tôn vinh những thành tựu đã đạt được mà còn là cơ hội, diễn đàn để các đại biểu tham dự cùng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các chiến lược nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, giáo dục quyền con người, phù hợp với xu hướng và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng thể hiện sự hoà nhập của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, gắn quyền con người với mọi mặt của đời sống xã hội, hướng tới một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại biểu tham dự
Đại biểu tham dự
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự khẳng định chặng đường 30 năm ghi dấu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong nghiên cứu, giáo dục và đào tạo về quyền con người, phản ánh sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm các giá trị quyền con người. Các cơ sở đào tạo như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành đã từng bước xây dựng và triển khai các chương trình giảng dạy về quyền con người. Nội dung giáo dục quyền con người được tích hợp linh hoạt trong nhiều cấp học và ngành học, từ giáo dục phổ thông, đào tạo đại học đến bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, hội thảo quốc tế và dự án hợp tác với các tổ chức nước ngoài đã tạo ra môi trường học thuật chuyên nghiệp, nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành quyền con người trong xã hội.
Hội thảo cũng đánh giá và thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức trong quá trình nghiên cứu, giáo dục và đào tạo quyền con người ở Việt Nam trong 30 năm qua, từ đó nhận diện một số vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trên cơ sở làm rõ các vấn đề lý luận chung về nghiên cứu, giáo dục và đào tạo quyền con người, những thành tựu về nghiên cứu, giáo dục và đào tạo quyền con người ở Việt Nam trong 30 năm qua, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về nghiên cứu, giáo dục, đào tạo quyền con người, giá trị tham khảo cho Việt Nam, các đại biểu tham dự cũng đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, giáo dục, đào tạo quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn mới./.