GS,TS Lê Văn Lợi phát biểu đề dẫn Hội thảo
Cùng chủ trì có PGS,TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công; GS,TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam.
Dự Hội thảo về phía khách mời quốc tế có ông Sean Farrell, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam; bà Sabina Stein, Trợ lý Trưởng đại diện, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; đại diện Viện FES Việt Nam.
Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước; đồng chí Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hoà Bình; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Ông Sean Farrell phát biểu tại Hội nghị
Bà Sabina Stein phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Về công tác phụ nữ, Người cũng căn dặn: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, thực hiện lời di huấn đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định: công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng trong các thời kỳ phát triển đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cũng như tham gia các công ước quốc tế về bình đẳng giới. Điển hình như Nghị quyết số 11-NQ/TW (2007) của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới 2006; Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp (2015); Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021–2030, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; Chỉ thị số 21-CT/TW (2018) của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Quang cảnh Hội nghị
GS,TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh, thực hiện các chủ trương, chính sách trên, sự tham gia của nữ giới vào đời sống chính trị nói chung, sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp uỷ các cấp nói riêng đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng, chất lượng và có đóng góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết số 11-NQ/TƯ thì tỷ lệ cán bộ nữ chưa đạt được. Để có cơ sở thực tiễn cho Báo cáo kiến nghị với Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới chính sách công tác cán bộ nữ, trong năm 2024 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với 04 địa phương và các đối tác của Học viện để tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương và Bình Phước. Vì vậy, Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường sự tham gia cấp uỷ của cán bộ nữ hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng: Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Lâm Đồng” là dịp để các bên tập trung phân tích thực trạng sự tham gia cấp ủy Đảng của cán bộ nữ tại 02 tỉnh: Thừa Thiên Huế đại diện cho khu vực miền Trung; Lâm Đồng đại diện cho khu vực vực Tây Nguyên - qua đó để có thêm những phát hiện, những luận cứ so sánh về công tác cán bộ nữ ở các vùng trong cả nước.
Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát thực trạng sự tham gia cấp ủy Đảng của cán bộ nữ tại Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng được trình bày tại Hội nghị cho thấy, với sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng; cấp ủy, người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo kịp thời, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những văn bản chỉ đạo của Trung ương; công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ được triển khai chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn theo các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Nhờ đó, tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy các cấp của hai tỉnh có tăng lên so với nhiệm kỳ trước đó. Song so với mức trung bình của cả nước, sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy các cấp ở hai tỉnh còn khá khiêm tốn. Thừa Thiên Huế có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đầu nhiệm kỳ 2020-2025 là 14,9% ở cấp tỉnh, 15,2% ở cấp huyện và 20,4% ở cấp xã; tương ứng Lâm Đồng là 13,2%; 17% và 22%. Tỷ lệ này chưa đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TƯ và trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020. Nghiên cứu thực tiễn ở hai tỉnh một lần nữa khẳng định các nguyên nhân, rào cản về thể chế và định kiến giới truyền thống đang gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng thảo luận và đánh giá thực trạng triển khai chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, những kết quả đạt được trong thực tế về cán bộ nữ tham gia chính trị nói chung và công tác cán bộ nữ trong cấp uỷ nói riêng trên tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua, đặc biệt là nhấn mạnh những kết quả, bài học kinh nghiệm có ý nghĩa và giá trị quan trọng đối với việc tăng cường sự tham gia cấp uỷ của cán bộ nữ nhiệm kỳ 2025-2030.
Trên cơ sở đó, Hội nghị tập trung phân tích các nguyên nhân và điểm nghẽn trong công tác phát triển cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng trong thời gian qua; làm rõ ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa và thể chế, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp uỷ đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; thảo luận về nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy đảng ở cả 3 cấp từ kết quả nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội Xã hội học Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Lâm Đồng.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm