Dự buổi tiếp và làm việc có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo Viện Quan hệ quốc tế; Viện Kinh tế; Văn phòng Học viện; Vụ Hợp tác quốc tế.
|
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng (phải) chủ trì tiếp GS Watanabe Tetsuya |
Chào mừng GS Watanabe Tetsuya lần đầu đến thăm và làm việc tại Học viện, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trao đổi tại buổi làm việc, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển hiệu quả, thực chất của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khẳng định, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, lâu dài và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,...
Thông tin về các chương trình, hợp tác của Học viện với các đối tác quốc tế và đối tác Nhật Bản, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam chủ trương phát triển nhanh và bền vững, xác định khoa học, công nghệ là động lực, nền tảng cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội.
Nhấn mạnh những tiềm năng, thế mạnh trong hợp tác giữa hai bên, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn ERIA và Học viện sẽ tăng cường phối hợp các nghiên cứu chung về phát thải khí nhà kính, Net Zero, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tổ chức diễn đàn về chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trong phát triển bền vững, đặc biệt là kinh nghiệm bứt phá để trở thành nước phát triển, có sự tham gia của các nước ASEAN,….
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện đánh giá cao nội dung và tầm quan trọng của Báo cáo nghiên cứu “Việt Nam 2045: Tầm nhìn và định hướng” do ERIA chủ trì triển khai và cho biết, thông qua báo cáo sẽ giúp Việt Nam có thêm thông tin hữu ích để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2045, cũng như quá trình tổng kết 40 năm đổi mới và chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Đại biểu dự buổi tiếp |
Trân trọng cảm ơn GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đã dành thời gian tiếp đoàn, GS Watanabe Tetsuya đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng của Nhật Bản, sự phát triển của Việt Nam đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển và ổn định của khu vực; nhấn mạnh việc Chính phủ Nhật Bản ủng hộ và sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản trên tinh thần cùng có lợi.
Tại buổi làm việc, GS Watanabe Tetsuya đã giới thiệu kết quả của Báo cáo nghiên cứu “Việt Nam 2045: Tầm nhìn và định hướng” do ERIA phối hợp với một số bộ, ngành của Việt Nam xây dựng. Báo cáo tập trung phân tích một số khía cạnh như: thu nhập quốc dân, tăng trưởng, đầu tư, sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu…; đánh giá về một số ngành có vai trò dẫn dắt ở Việt Nam như chuyển đổi số, năng lượng, công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may…; chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển kinh tế. Qua đó, đưa ra các khuyến nghị với Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045; và mong muốn được tăng cường hợp tác với Học viện trong nghiên cứu, chia sẻ tri thức, đào tạo nguồn nhân lực.
------------
Tại cuộc họp tham vấn lần thứ 13 giữa các Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế, Thương Mại và Công nghiệp Nhật Bản được tổ chức tại Kuala Lumpur vào ngày 23/8/2006, ông Toshihiro Nikai, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đề xuất thành lập tổ chức tư vấn chính sách mang tên ERIA nhằm cạnh tranh với phiên bản Đông Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đến ngày 4/3/2008, ERIA được chính thức thành lập trong khuôn khổ diễn đàn "Thiết lập không gian kinh doanh lớn nhất thế giới", do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Ban Thư ký ASEAN và báo Nikkei phối hợp tổ chức tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, với sự tham gia của đại diện từ 16 nước thành viên (gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Niu Dilân và Ấn Độ). ERIA là cơ quan nghiên cứu có nhiệm vụ phân tích chính sách và tiến hành những hoạt động nghiên cứu liên quan tới sự hội nhập kinh tế Đông Á với ba trụ cột chính, bao gồm: tăng cường hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế và đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững.