HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH
QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
*****
Số: 28 /BC-HĐGT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******
Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2008 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN
CHƯƠNG TRÌNH, GIÁO TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ Ở
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
8 THÁNG ĐẦU NĂM 2008
Nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị Khoá IX ngày 30-7-2005 về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quyết định số 149-QĐ/TW của Bộ Chính trị Khoá IX ngày 2-8-2005 về chức năng, nhiệm vụ, và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiến hành từ năm 2005 đến cuối năm 2007 đã hoàn thành cơ bản.
Ngày 7-5-2007 Bộ Chính trị Khoá IX ban hành Quyết định số 60-QĐ/TW về việc hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và ban hành Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 22-10-2007 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Tình hình này đặt ra cho Học viện những nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình, giáo trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính để đưa vào thực hiện từ năm học 2008-2009.
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2008
1) Nghiên cứu, biên soạn 11 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (phần Lý luận chính trị)
Trong 10 đề tài biên soạn khung chương trình được nghiên cứu từ năm 2006 đến nay Giám đốc đã nghiệm thu bước I được 10 đề tài, bước II được 9/10 đề tài.
Các đề tài đã nghiệm thu bước I và bước II đều thực hiện đúng các quy định của cơ quan quản lý về sản phẩm nghiệm thu, quy cách soạn thảo một chuyên đề, bài giảng và được Hội đồng nghiệm thu bước I và bước II đánh giá kết quả đều đạt theo yêu cầu.
Hiện nay đã có 8/10 đề tài đã thanh quyết toán xong kinh phí, còn 2 đề tài chưa thanh, quyết toán xong số kinh phí được phân bổ năm 2006 (đề tài nghiên cứu, biên soạn khung chương trình đại học chính trị các chuyên ngành; và đề tài đào tạo các chuyên ngành thạc sĩ).
Do tiến độ nghiên cứu của các đề tài không đều, có đề tài nghiệm thu xong từ tháng 12-2007, có đề tài đến nay mới nghiệm thu, nên khi triển khai sang giai đoạn viết giáo trình cũng gặp khó khăn. Trước tình hình cần phải triển khai chương trình mới ngay trong năm học 2008-2009, Giám đốc Học viện đã quyết định vừa tiến hành tổ chức nghiệm thu khung chương trình, vừa tổ chức triển khai nghiên cứu biên soạn giáo trình.
Ngày 23-4-2008, được sự đồng ý của Giám đốc Học viện, Vụ Quản lý khoa học, Văn phòng Học viện đã tổ chức lễ giao Quyết định và ký hợp đồng nghiên cứu, biên soạn giáo trình phần Lý luận chính trị cho 7 đề tài, tương ứng với 7 khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Đến nay tình hình triển khai của các đề tài như sau:
- Đề tài về chương trình khung đại học chính trị các chuyên ngành do PGS, TS Trần Khắc Việt làm Chủ nhiệm đã nghiệm thu xong bước II (đề cương chi tiết) vào tháng 4-2008. Hiện nay, đề tài này đang sửa chữa đề cương chi tiết theo ý kiến góp của Hội đồng nghiệm thu. Có thể cuối tháng 9-2008, đề tài nộp sản phẩm sửa chữa sau nghiệm thu để Tổ Thư ký Hội đồng đọc thẩm định. Tháng 12-2008 sẽ nộp sản phẩm giáo trình để nghiệm thu.
- Đề tài về chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho các đối tượng đào tạo ở các Học viện khu vực do GS, TS Chu Văn Cấp làm Chủ nhiệm đã sửa chữa theo ý kiến kết luận của Hội đồng nghiệm thu bước II.
- Đề tài đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành do PGS,TS Lê Bàn Thạch làm chủ nhiệm đã nghiệm thu xong khung chương trình, và đang triển khai viết đề cương chi tiết.
Còn lại các đề tài đang trong quá trình tổ chức triển khai biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị trong các chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng vẫn còn một số Ban Chủ nhiệm muốn chờ phần kiến thức của khoa học hành chính đưa vào trong các chương trình xong mới tiến hành ký hợp đồng nghiên cứu.
- Đề tài nghiên cứu, biên soạn chương trình bồi dưỡng ngắn hạn chức danh bí thư, phó bí thư tỉnh, thành uỷ trực thuộc Trung ương do PGS, TS Nguyễn Đăng Thành làm Chủ nhiệm đã tổ chức các cuộc toạ đàm, xin ý kiến vào dự thảo khung chương trình của một số đồng chí nguyên là bí thư tỉnh, thành uỷ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác ở vị trí chức vụ cao hơn; các đồng chí đang giữ chức vụ bí thư, phó bí thư một số tỉnh, thành uỷ trực thuộc Trung ương.
2) Nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính và giáo dục quốc phòng - an ninh trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
a) Theo tinh thần của Quyết định số 60/QĐ-TW của Bộ Chính trị Khoá X ngày 07-5-2007 về việc hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Quyết định số 100/QĐ-TW của Bộ Chính trị khoá X ngày 22-10-2007 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Học viện phải xây dựng các chương trình cao cấp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Năm học 2008-2009, Học viện phải đưa chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính vào giảng dạy trong hệ thống Học viện. Việc đặt ra cho nhiệm vụ đổi mới chương trình đào tạo rất gấp rút và nặng nề. Đứng trước tình hình đó đã tiến hành khẩn trương xây dựng kế hoạch, đôn đốc các Ban Chủ nhiệm đề tài xây dựng khung chương trình phần lý luận chính trị hoàn thiện việc nghiên cứu để bắt tay vào việc triển khai viết giáo trình phần Lý luận chính trị và nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
b) Thực hiện Công văn số 6989/BQP ngày 21-12-2007 của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh dùng trong hệ thống trường chính trị, hành chính và đoàn thể, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1104/QĐ-HVCT-HCQG ngày 22-2-2008 về việc ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh trong 8 chương trình đào tạo. Đó là, các chương trình cao cấp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính; chương trình sau đại học và chương trình đại học chính trị các chuyên ngành.
Như vậy, trong các chương trình đào tạo ở Học viện đều phải có phần kiến thức giáo dục quốc phòng - an ninh. Theo đó, trong cấu tạo từng chương trình phải có sự điều chỉnh một số chuyên đề và thời gian cho từng khối kiến thức.
* Để thực hiện những nhiệm vụ trên, ngày 19-3-2008, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã cử Ban Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu những cơ sở lý luận và thực tiễn biên soạn phần khoa học hành chính và phần giáo dục quốc phòng - an ninh trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh do GS, TS Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Học viện - Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình làm Chủ nhiệm đề tài.
Trong 5 tháng hoạt động, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về mục tiêu, quan điểm nghiên cứu biên soạn phần khoa học hành chính trong các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; về thời gian, kết cấu, nội dung của phần khoa học hành chính trong các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính; bổ sung phần kiến thức giáo dục quốc phòng - an ninh vào 8 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, v.v..
Phần khoa học hành chính được biên soạn trong 4 chương trình cao cấp và 1 chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Để có thể đưa chương trình cao cấp vào thực hiện ngay trong năm học 2008-2009, Giám đốc Học viện đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng phần khoa học hành chính, trước hết ưu tiên cho việc biên soạn phần khoa học hành chính trong 3 chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính cho các đối tượng ở Trung tâm Học viện, ở các Học viện khu vực và cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Đến nay, Giám đốc Học viện - Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình của Học viện đã ký chính thức ban hành 2 khung chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính (đó là: Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho đối tượng đào tạo ở Trung tâm Học viện và Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho chuyên viên chính và tương đương). Còn các khung chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính khác đang trong quá trình chỉnh sửa lần cuối và chuẩn bị trình Giám đốc phê duyệt.
Phần giáo dục quốc phòng - an ninh: nội dung các bài giảng, chuyên đề của phần này do liên bộ Quốc phòng và Bộ Công an biên soạn. Ngày 23-7-2008, Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho Học viện bộ giáo trình giáo dục quốc phòng - an ninh (theo Công văn số 3689/CV-QP). Đến nay, Giám đốc Học viện đã chuyển giao giáo trình đó cho các Ban Chủ nhiệm đề tài để các Ban Chủ nhiệm đề tài đưa vào từng chương trình.
3. Các hoạt động khác
Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, trong 8 tháng qua, các hoạt động của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình và Tổ Thư ký của Hội đồng thường kết hợp với hoạt động của các Ban Chủ nhiệm biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị và Ban Chủ nhiệm phần khoa học hành chính trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức nghiên cứu, tổ chức đọc thẩm định kết quả nghiên cứu của các chương trình khung đã nghiệm thu bước II, v.v..
Các cơ quan chức năng như Văn phòng Học viện, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Quản lý khoa học đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu của các đề tài như: giao quyết định triển khai, ký hợp đồng nghiên cứu, phân bổ kinh phí, giải quyết nhanh việc thanh, quyết toán kinh phí của từng đề tài.
4. Đánh giá chung
4.1. Ưu điểm
- Công tác chỉ đạo của Giám đốc Học viện
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và nặng nề của Học viện, nên trong 8 tháng qua, Giám đốc Học viện đã tập trung mọi nguồn lực cho việc biên soạn chương trình như: nhân lực khoa học, nguồn kinh phí, thời gian đầu tư, v.v.. Đồng chí Giám đốc Học viện – Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình - đã thường xuyên chỉ đạo trực tiếp, giám sát các công việc, nhất là nội dung, kết cấu của từng khung chương trình và từng đề cương chi tiết các chuyên đề, bài giảng; các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện đều tham gia các hội nghị nghiệm thu đề tài.
Với thời gian đào tạo của phần khoa học hành chính trong các chương trình đào tạo là 1/6 tổng thời gian đào tạo của một chương trình, Ban Chủ nhiệm đề tài biên soạn phần khoa học hành chính và các Ban Chủ nhiệm biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị điều chỉnh các chuyên đề cho hợp lý.
- Hoạt động của các Ban Chủ nhiệm đề tài
Các Ban Chủ nhiệm biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh:
Sau khi hoàn thành việc nghiệm thu bước II (bước nghiệm thu đề cương chi tiết từng chuyên đề, bài giảng), các Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức triển khai nghiên cứu biên soạn giáo trình. Nhưng, do nhiều lý do, trong đó có lý do phải tiếp thu ý kiến góp ý trong nghiệm thu bước II để chỉnh sửa đề cương chi tiết và chờ phần khoa học hành chính trong các khung chương trình mới tiến hành triển khai nghiên cứu.
Ban Chủ nhiệm nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính và giáo dục quốc phòng - an ninh đã tích cực, khẩn trương, đốc thúc các đồng chí xây dựng phần khoa học hành chính trong các chương trình.
- Công tác chỉ đạo, quản lý của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình và các đơn vị chức năng có liên quan của Học viện
8 tháng đầu năm 2008, nhiệm vụ đổi mới chương trình đào tạo sang một giai đoạn mới - giai đoạn viết giáo trình phần lý luận chính trị và biên soạn phần khoa học hành chính trong các chương trình đào tạo. Vì thế, công tác chỉ đạo của Hội đồng và các đơn vị chức năng có liên quan tập trung vào việc phân bổ kinh phí cho từng đề tài, quản lý các nhiệm vụ của Ban Chủ nhiệm đề tài thông qua kế hoạch đã được duyệt và triển khai nghiên cứu việc biên soạn phần khoa học hành chính.
Các cuộc họp của Hội đồng và Tổ Thư ký của Hội đồng đều được gắn với các cuộc họp của các Ban Chủ nhiệm đề tài để bàn về mục tiêu, quan điểm biên soạn phần khoa học hành chính; kế hoạch thực hiện; kết cấu, thời gian của phần khoa học hành chính và nội dung các chuyên đề của phần khoa học từng khung chương trình đào tạo v.v..
Vụ Quản lý khoa học đã xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức mọi hoạt động của Hội đồng và giúp các Ban Chủ nhiệm đề tài trong quá trình thực hiện, đôn đốc tiến độ, báo cáo kịp thời mọi hoạt động để Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo, quan hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ để tranh thủ sự ủng hộ về kinh phí.
Văn phòng Học viện đã chuẩn bị kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các Ban Chủ nhiệm đề tài, thanh, quyết toán theo đúng chế độ hiện hành của Nhà nước.
4.2. Một số hạn chế
- Tiến độ hoạt động của tất cả các Ban Chủ nhiệm đề tài đều chậm so với kế hoạch đề ra. Đến nay còn 2 đề tài biên soạn giáo trình chưa hoàn thiện xong việc sửa chữa theo các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu bước II và điều đó đồng nghĩa với việc chưa ký hợp đồng viết các chuyên đề, bài giảng với các cộng tác viên.
- Việc giải ngân của một số đề tài còn quá chậm. Có đề tài hiện chưa giải ngân xong số kinh phí của năm 2006, 2007. Nếu cứ theo tiến độ này thì đến ngày 31-12-2008 sẽ có một số đề tài không giải ngân được kinh phí năm 2008. Đây là một hạn chế rất lớn của các đề tài.
- Việc đầu tư thời gian và lực lượng khoa học vào nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình, giáo trình còn nhiều hạn chế.
III. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU TRONG 4 THÁNG CUỐI NĂM 2008
- Nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn đề cương chi tiết các chuyên đề của phần khoa học hành chính trong các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị – hành chính do PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Hành chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Cuối tháng 12-2008 sẽ nghiệm thu xong đề cương chi tiết phần khoa học hành chính trong các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
- Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị bổ sung phần Giáo dục quốc phòng - an ninh theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu, biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và nghiệm thu xong một số chương trình.
- Năm học 2008-2009 sẽ triển khai giảng thí điểm chương trình cao cấp lý luận chính trị – hành chính cho 2 lớp tập trung ở Trung tâm Học viện và đưa phần khoa học hành chính vào giảng dạy cho tất cả các lớp tập trung thuộc hệ cao cấp của Học viện.
- Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính sẽ đưa vào giảng dạy năm học 2009-2010. Giao Vụ Các trường chính trị xây dựng kế hoạch, làm việc với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai chương trình mới.
- Tháng 12-2008 sẽ nghiệm thu xong đề cương chi tiết các chuyên đề của chương trình đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành.
- Việc thanh, quyết toán kinh phí của các đề tài giải ngân trước ngày 31-12-2008.
Nơi nhận:
- Các đơn vị trực thuộc Giám đốc Học viện;
- Hội đồng Chỉ đạo biên soạn CT,GT;
- Tổ Thư ký Hội đồng;
- Ban Chủ nhiệm ĐT viết giáo trình phần LLCT;
- Ban Chủ nhiệm biên soạn phần Khoa học hành chính;
- Website của Học viện;
- Lưu: VP Học viện, Vụ QLKH. |
GIÁM ĐỐC
Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình
(Đã ký)
Lê Hữu Nghĩa |