Sign In

Báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ biên soạn chương trình, giáo trình của Học viện

10:39 16/02/2009

Chọn cỡ chữ A a    

Nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX ngày 30-7-2005 về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quyết định số 149-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá IX ngày 02-8-2005 về chức năng, nhiệm vụ, và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiến hành từ năm 2005 đến cuối năm 2007 đã hoàn thành cơ bản.

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ – HÀNH CHÍNH

 QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

------------

Số:  04 /BC-HVCT-HCQG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2008

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN CHƯƠNG TRÌNH, GIÁO TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ Ở HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NĂM 2008

I. BỐI CẢNH, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Bối cảnh

Nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX ngày 30-7-2005 về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quyết định số 149-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá IX ngày 02-8-2005 về chức năng, nhiệm vụ, và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiến hành từ năm 2005 đến cuối  năm 2007 đã hoàn thành cơ bản.

Ngày 7-5-2007, Bộ Chính trị khoá X ban hành Quyết định số 60-QĐ/TW về việc hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và ban hành Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 22-10-2007 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Tình hình này đặt ra cho nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình, giáo trình năm 2008 có nhiều thay đổi, như: nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính và đưa phần giáo dục quốc phòng – an ninh vào chương trình đào tạo cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính để triển khai từ năm học 2008-2009 và đưa phần giáo dục quốc phòng – an ninh vào chương trình đại học chính trị các chuyên ngành.

Năm 2008, trọng tâm nhiệm vụ được đặt vào hai phần việc chủ yếu: a) Hoàn thiện và Giám đốc Học viện phê duyệt các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; b) Triển khai nghiên cứu, biên soạn các giáo trình.

Một trong những đặc điểm nổi bật trong bối cảnh Học viện triển khai nhiệm vụ trọng tâm trên đây là nguồn lực bảo đảm còn có nhiều hạn chế (kể cả nhân lực và tài lực).

2. Mục tiêu

Hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn chương trình giáo trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị cho hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 30-7-2005 của Bộ Chính trị để đưa vào áp dụng từ năm học 2008-2009 kết hợp với phương pháp dạy và học tích cực.

3. Một số nhiệm vụ chủ yếu

- Hoàn thành việc bổ sung phần khoa học hành chính vào các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị – hành chính.

- Đưa phần giáo dục quốc phòng - an ninh vào các chương trình đào tạo ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

- Hoàn thiện và phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và triển khai nghiên cứu, biên soạn một số giáo trình.

- Tổ chức giảng thí điểm chương trình cao cấp lý luận chính trị cho 2 lớp ở Trung tâm Học viện năm học 2008-2009.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC NĂM 2008

1. Nghiên cứu, biên soạn 11 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (phần lý luận chính trị)

Ngay từ đầu, Học viện đã quyết định nghiên cứu để xây dựng 10 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến giữa năm 2008, Giám đốc Học viện quyết định nghiên cứu, biên soạn 1 chương trình nữa là chương trình bồi dưỡng ngắn hạn các chức danh bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

            Trong 10 đề tài biên soạn khung chương trình được nghiên cứu từ năm 2006 đến nay, Giám đốc  Học viện đã nghiệm thu bước I và bước II được cả 10 đề tài.   

Các đề tài đã nghiệm thu bước I và bước II đều thực hiện đúng các quy định và được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả đều đạt yêu cầu.

Do tiến độ nghiên cứu của các đề tài không đều, nên khi triển khai biên soạn giáo trình cũng gặp khó khăn cho công tác quản lý. Trước tình hình cần  triển khai chương trình mới ngay trong năm học 2008-2009, Giám đốc Học viện đã quyết định cho phép vừa tiến hành tổ chức nghiệm thu khung chương trình, vừa tổ chức triển khai nghiên cứu, biên soạn giáo trình.

Ngày 23-4-2008, các cơ quan quản lý đã tổ chức lễ giao Quyết định của Giám đốc Học viện và ký hợp đồng nghiên cứu, biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị cho 7 đề tài, tương ứng với 7 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Đến nay, tình hình triển khai của các đề tài như sau:

- Các đề tài nghiên cứu, biên soạn giáo trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị – hành chính đã tổ chức triển khai biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị. Hiện nay, đã có một số đề tài thu được cơ bản số lượng bài viết của các cộng tác viên và đang trong quá trình tổ chức thẩm định để chuẩn bị nghiệm thu, như đề tài Nghiên cứu biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị trong chương trình cao cấp lý luận chính trị – hành chính ở dành cho đối tượng đào tạo ở Trung tâm Học viện; đề tài Nghiên cứu biên soạn giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho đảng bạn, nước bạn; v.v..

Nhưng,vẫn còn một số đề tài triển khai còn chậm do nhiều lý do khác nhau như kết thúc bước I và bước II của biên soạn khung đề cương chi tiết chậm; phải điều chỉnh một số chuyên đề, bài giảng của phần lý luận chính trị để đưa phần kiến thức của khoa học hành chính và phần giáo dục quốc phòng - an ninh vào các chương trình, v.v..

- Đề tài Nghiên cứu, biên soạn chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho các chức danh bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức các cuộc toạ đàm, xin ý kiến vào dự thảo khung chương trình của một số đồng chí nguyên là bí thư tỉnh, thành uỷ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác ở vị trí chức vụ cao hơn; các đồng chí đang giữ chức vụ bí thư, phó bí thư ở 15 tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương. Sản phẩm của đề tài đang được hoàn thiện trình Giám đốc Học viện.

2. Nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính và đưa phần giáo dục quốc phòng - an ninh vào trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ  ở hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

- Theo tinh thần của Quyết định số 60-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá X ngày 7-5-2007 về việc hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Quyết định số 100-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá X ngày 22-10-2007 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện phải xây dựng các chương trình cao cấp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

Năm học 2008-2009, Học viện phải đưa chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính vào giảng dạy. Việc này đặt ra cho nhiệm vụ đổi mới nghiên cứu, biên soạn chương trình rất gấp rút và nặng nề. Đứng trước tình hình đó, Giám đốc Học viện đã tiến hành khẩn trương xây dựng kế hoạch, đôn đốc các Ban Chủ nhiệm đề tài biên soạn khung chương trình phần lý luận chính trị hoàn thiện việc nghiên cứu bước I và bước II để bắt tay vào việc triển khai biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị và biên soạn phần khoa học hành chính trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

- Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 64-TB/VPCP ngày 21-3-2006 của Văn phòng Chính phủ) và Công văn số 6989/BQP ngày 21-12-2007 của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh dùng trong hệ thống trường chính trị, hành chính và đoàn thể, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1104/QĐ-HVCT-HCQG ngày 22-2-2008 về việc ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh trong 8 chương trình đào tạo. Đó là các chương trình cao cấp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính; chương trình sau đại học và chương trình đại học chính trị các chuyên ngành.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, ngày 19-3-2008, Giám đốc Học viện đã cử Ban Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu những cơ sở lý luận và thực tiễn biên soạn phần khoa học hành chính và phần giáo dục quốc phòng - an ninh trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh do GS, TS Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Học viện - Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình - làm Chủ nhiệm đề tài.

Trong hơn 10 tháng hoạt động, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về mục tiêu, quan điểm nghiên cứu, thời gian, kết cấu, nội dung biên soạn phần khoa học hành chính trong các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính; bổ sung phần kiến thức giáo dục quốc phòng - an ninh vào 8 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, v.v..

Phần khoa học hành chính được biên soạn trong 4 chương trình cao cấp và 1 chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Để có thể đưa chương trình cao cấp vào giảng dạy trong năm học 2008-2009, Giám đốc Học viện đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng phần khoa học hành chính, trước hết ưu tiên cho việc biên soạn phần khoa học hành chính trong 3 chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho đối tượng đào tạo ở Trung tâm Học viện, cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho đối tượng đào tạo ở các Học viện khu vực và cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho đối tượng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Đến nay, Giám đốc Học viện đã ký chính thức ban hành 4 khung chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính (đó là: Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho đối tượng đào tạo ở Trung tâm Học viện; Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho chuyên viên chính và tương đương; Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị – hành chính cho các đối tượng là cán bộ dân tộc thiểu số; Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị – hành chính dành cho đối tượng đào tạo ở các Học viện khu vực) và Khung chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính dành cho các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã giao cho PGS, TS Nguyễn Trọng Điều - Giám đốc Học viện Hành chính triển khai tổ chức nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính trong chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị – hành chính. Hiện nay, Học viện Hành chính đang tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các chuyên đề, bài giảng.

- Phần giáo dục quốc phòng - an ninh: nội dung các chuyên đề, bài giảng, của phần này do liên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an biên soạn. Ngày 23-7-2008, Hội đồng giáo dục Quốc phòng - An ninh Trung ương đã bàn giao cho Học viện bộ giáo trình giáo dục quốc phòng - an ninh của các chương trình cao cấp, trung cấp, đại học bằng 2, cao học và nghiên cứu sinh. Đến nay, Giám đốc Học viện đã chuyển giao giáo trình đó cho các Ban Chủ nhiệm đề tài để các Ban Chủ nhiệm đề tài đưa vào từng chương trình.

3. Các hoạt động khác

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, trong năm 2008, Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình và Tổ Thư ký của Hội đồng thường kết hợp với hoạt động của các Ban Chủ nhiệm biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị và Ban Chủ nhiệm phần khoa học hành chính trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức nghiên cứu, tổ chức nghiệm thu, tổ chức đọc thẩm định kết quả nghiên cứu của các chương trình khung đã  nghiệm thu bước II.

Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình kết hợp với Ban Chỉ đạo giảng thử hai lớp thí điểm chương trình cao cấp lý luận chính trị – hành chính dành cho đối tượng ở Trung tâm Học viện tổ chức cuộc họp bàn về một số vấn đề về nghiên cứu, biên soạn, triển khai giảng thí điểm.

Các cơ quan chức năng như Văn phòng Học viện, Vụ Quản lý khoa học,  Vụ Kế hoạch - Tài chính đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu của các đề tài như: giao quyết định triển khai, ký hợp đồng nghiên cứu, phân bổ kinh phí, thúc đẩy tiến độ, việc giải ngân thanh, quyết toán kinh phí của từng đề tài…

Một số hạn chế

- Tiến độ hoạt động của tất cả các Ban Chủ nhiệm đề tài đều chậm so với kế hoạch đề ra. Đến nay còn 1 đề tài biên soạn khung chương trình chưa hoàn thiện xong việc sửa chữa theo các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu bước II. Do đó, đề tài này chưa triển khai nghiên cứu, biên soạn giáo trình. 

- Phần nghiên cứu, biên soạn đề cương chi tiết các chuyên đề, bài giảng của khoa học hành chính trong các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị – hành chính còn rất chậm so với kế hoạch.

- Việc giải ngân của một số đề tài còn chậm. Có đề tài hiện chưa giải ngân xong số kinh phí của năm 2006 và năm 2007, vì thế một số đề tài đã phải xin điều chỉnh kinh phí sang năm 2009.

- Việc đầu tư thời gian và lực lượng khoa học cho nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình, giáo trình còn nhiều hạn chế. Do đó, có một số đề cương chi tiết chất lượng chưa cao, một số cộng tác viên chưa nêu cao trách nhiệm trong việc biên soạn chương trình.

Nguyên nhân

Kết quả đạt được trong năm 2008 trên đây là do sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sát sao, thường xuyên của đồng chí Giám đốc Học viện, các đồng chí trong Ban Giám đốc, sự hoạt động tích cực của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình; Tổ Thư ký Hội đồng; sự đồng thuận của Ban Giám đốc Học viện Hành chính; sự tham mưu của các đơn vị chức năng; sự đóng góp của các đồng chí trong các Ban Chủ nhiệm đề tài, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Nguyên nhân của một số hạn chế là: cùng một lúc Học viện triển khai quá nhiều việc, trong đó có việc biên soạn lại toàn bộ các chương trình đào tạo theo quan điểm đổi mới toàn diện, nhân lực khoa học không tăng, do đó nhiệm vụ này gặp phải không ít khó khăn; mặt khác, một số nhà khoa học chưa thật sự tập trung đưa nhiệm vụ biên soạn giáo trình lên thành nhiệm vụ trọng tâm của mình.

Một số kinh nghiệm

- Công tác chỉ đạo của Giám đốc Học viện

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Học viện, nên trong năm qua, Giám đốc Học viện đã tập trung mọi nguồn lực cho việc biên soạn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị cho Đảng và Nhà nước, như: nhân lực khoa học, nguồn kinh phí, thời gian đầu tư, v.v..

Ban Giám đốc Học viện đã thường xuyên chỉ đạo, giám sát các công việc, nhất là nội dung, kết cấu của từng chương trình và từng đề cương chi tiết các chuyên đề, bài giảng; các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện đều là Chủ nhiệm đề tài các đề tài và đều tham gia các hội nghị nghiệm thu đề tài.

- Hoạt động của các Ban Chủ nhiệm đề tài

Các Ban Chủ nhiệm đề tài biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Chủ nhiệm nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính và giáo dục quốc phòng - an ninh đã tích cực hoạt động, thường xuyên họp Ban Chủ nhiệm, nhắc nhở các cộng tác viên nộp sản phẩm, giao trách nhiệm cho từng đồng chí trong Ban Chủ nhiệm đọc sản phẩm nghiên cứu với tư cách vừa là người quản lý, vừa là chuyên gia.

- Công tác chỉ đạo, quản lý của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình và các đơn vị chức năng có liên quan của Học viện

Các cuộc họp của Hội đồng và Tổ Thư ký của Hội đồng đều được gắn với các cuộc họp của các Ban Chủ nhiệm đề tài, do đó, khi có vấn đề gì không thống nhất đều được Giám đốc và các đồng chí trong Hội đồng cho ý kiến ngay. Đây là một trong những kinh nghiệm trong việc bố trí cơ cấu thành phần của các cuộc hội thảo và các cuộc họp.

Để nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và Nhà nước, trong các hội đồng nghiệm thu khung chương trình, Học viện đều mời Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương tham gia, đồng thời thường xuyên quan hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ để tranh thủ sự ủng hộ về kinh phí.

Các đơn vị chức năng liên quan đã tham mưu giúp Giám đốc việc phân bổ và điều chỉnh kinh phí cho từng đề tài, quản lý các nhiệm vụ khoa học của Ban Chủ nhiệm đề tài đã được Giám đốc thông qua, thúc đẩy hoạt động của các Ban Chủ nhiệm đề tài, kiểm tra tiến độ thực hiện, làm công văn nhắc nhở các đề tài thực hiện đúng tiến độ, cử các chuyên viên theo dõi; thúc đẩy việc giải ngân kinh phí, v.v..

III. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU  NĂM 2009

1. Mục tiêu

Năm 2009 là năm Học viện tiếp tục triển khai đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW, Quyết định số 100-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị ở Học viện cũng vào giai đoạn kết thúc để triển khai đồng loạt, cùng với phương pháp giảng dạy tích cực. Do đó, cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, với yêu cầu chất lượng cao để đóng góp một phần đáng kể vào nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và Nhà nước và cán bộ khoa học chính trị.

2. Nhiệm vụ

- Nâng cao chất lượng biên soạn các chuyên đề, tăng cường khâu biên tập và thẩm định, phát hiện và kiên quyết xử lý sự trùng lắp; dứt khoát bảo đảm tiến độ, không cho kéo dài thời hạn nữa, nếu để tiếp tục chậm tiến độ, các Chủ nhiệm đề tài phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Học viện.

- Hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn giáo trình phần lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

- Hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn phần khoa học hành chính trong các chương trình cao cấp và trung cấp lý luận chính trị – hành chính.

- Năm học 2009-2010 sẽ triển khai đồng loạt chương trình mới cao cấp lý luận chính trị – hành chính ở Trung tâm Học viện và các Học viện Chính trị – Hành chính khu vực.

- Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính sẽ đưa vào giảng dạy năm học 2009-2010. Giao Vụ Các trường chính trị xây dựng kế hoạch, làm việc với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai chương trình mới.

- Nghiên cứu, biên soạn, một số chương trình mới, nhất là chương trình bồi dưỡng.

- Việc thanh, quyết toán kinh phí của các đề tài phải đảm bảo đúng kế hoạch.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư (để báo cáo)

- Thủ tướng Chínhphủ (để báo cáo)

- Bộ Khoa học và Công nghệ,

- Bộ Tài chính,

- Ban Giám đốc Học viện,

- Các đơn vị trực thuộc Giám đốc HV,

- Hội đồng Chỉ đạo biên soạn CT,GT,

- Tổ Thư ký Hội đồng,

- Ban Chủ nhiệm đề tài,

- Website của Học viện,

- Lưu VP Học viện, Vụ QLKH.

GIÁM ĐỐC - CHỦ TỊCH

HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN

CHƯƠNG TRÌNH, GIÁO TRÌNH

(đã ký)

Lê Hữu Nghĩa

Alternate Text

Bình luận

Danh sách bình luận

Số lượng ý kiến bài viết: 0

Hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững”

13:41 21/03/2025

Hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững”

Đại hội Chi bộ Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, nhiệm kỳ 2025 - 2027

19:20 20/03/2025

Được sự đồng ý của Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực II, chiều ngày 20/3/2025, Đại hội Chi bộ Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, nhiệm kỳ 2025 - 2027 (Đại hội điểm) đã được tiến hành long trọng với tinh thần đoàn kết, dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm.

Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng và các danh hiệu quốc tế cao quý

13:46 20/03/2025

Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng và các danh hiệu quốc tế cao quý

Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2026.

08:40 20/03/2025

Sáng ngày 20/03/2025 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2026 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2026. PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện dự và chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo chuyên đề sức khỏe cộng đồng

14:05 19/03/2025

Báo cáo chuyên đề sức khỏe 1

Thống kê lượt truy cập

Lượt truy cập:

Khách online: